Ngành nhựa Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan. Nổi bật là Siam Cement Group (SCG) khi tập đoàn này có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam.
Ngày 9/3 tới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ chào bán toàn bộ 24,1 triệu cp của CTCP Nhựa Bình Minh (MCK: BMP) và số cp này đã được cổ đông Thái Lan – The Nawaplastic Industries – đăng ký mua hết.
The Nawaplastic Industries hiện đang là cổ đông lớn của BMP nắm giữ hơn 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương 20,4%. Như vậy nếu giao dịch thành công, Nawaplastic Industries sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại BMP lên 49,91%.
Nawaplastic là công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC, do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% cổ phần. TPC hiện đang nắm 50% thị phần tại thị trường nhựa Thái Lan và đang sở hữu nhiều công ty ngành nhựa khác của Việt Nam như Chemteck Co (Sản xuất polyethylene XLPE – TPC nắm 100% vốn cổ phần); Viet-Thai Plastchem (Sản xuất nhựa, bao bì – TPC nắm 72,49% vốn cổ phần); TPC Vina Plastic and Chemicals (Sản xuất nhựa PVC – TPC nắm 70% vốn cổ phần).
Đứng sau TPC chính là công ty mẹ Siam Cement Group (SCG), SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Hiện SCG sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa với mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam.
Vậy lý do gì đã khiến nhà đầu tư Thái Lan tăng cường các thương vụ M&A đối với ngành nhựa tại Việt Nam?
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tiềm năng ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn, chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân tại Việt Nam hiện đạt 41 kg/người/năm (thấp hơn so với mức trung bình 48 kg/người/năm của châu Á và mức trung bình 70 kg/người/năm của thế giới). Theo BMI Research, ngành thực phẩm sẽ tăng trưởng 10,9% trong giai đoạn 2015-2019, ngành đồ uống đóng chai sẽ tăng trưởng từ 17-25%.
Tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (VEFTA) được ký kết, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ nhựa sang châu Âu sẽ được đẩy mạnh. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU được đánh giá vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp Việt có khả năng thâm nhập tốt, nhất là nhu cầu về ống nhựa.
Đáng lưu ý, tại thị trường này, sản phẩm nhựa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá như các nước Châu Á khác (mức thuế trung bình từ 8-30%).
Tuy nhiên, thị trường tiềm năng là vậy nhưng hiện nay bản thân các doanh nghiệp trong nước lại chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM dự báo đến năm 2020, nguyên liệu để sản xuất nhựa lên tới 5 triệu tấn. Việc phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu nhựa đã và đang làm giảm đáng kể sức cạnh tranh và doanh nghiệp xuất khẩu khó tận dụng được ưu đãi thuế bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa.
Quay trở lại nhà đầu tư Thái Lan, SCG vừa qua đã chính thức triển khai dự án hoá dầu tại Long Sơn có quy mô 5,4 tỷ USD với mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị của mình, và như vậy đầu cuối sẽ là sản phẩm của BMP.
Các khoản đầu tư của SCG trong thời gian qua cho thấy kết quả khá khả quan. Tiêu biểu như khoản đầu tư vào Nhựa Tiền Phong thông qua The Nawaplastic Industries. Với đợt thoái hết vốn Nhựa Tiền Phong, The Nawaplastic Industries thu về khoảng 1.460 tỷ đồng, gấp 3 lần giá trị vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, theo tính toán, trong hơn 5 năm đầu tư, The Nawaplastic Industries còn nhận về khoảng 173 tỷ đồng cổ tức bằng tiền từ Nhựa Tiền Phong.